Tết Nguyên Đán là thời gian gia đình sum vầy, tận hưởng không khí đầm ấm cùng tất cả mọi người trong gia đình. Việc sử dụng tivi, tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh,… liên tục khiến cho năng lượng điện tiêu hao nhanh chóng. Để bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình, mỗi người dân cần phải nâng cao nhận thức và áp dụng các biện pháp phòng chống cháy nổ điện dân dụng trong Tết.
Một số nguyên nhân dẫn đến cháy nổ điện trong dịp Tết
Trong dịp Tết, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện trong gia đình tăng cao, các thiết bị trang trí, bếp điện, máy sưởi ấm,… Việc sử dụng quá nhiều thiết bị điện cùng lúc, vượt quá công suất của hệ thống điện có thể sẽ bị chập điện, cháy nổ.
Nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa , vẫn còn sử dụng hệ thống điện cũ, đã xuất cấp. Dây điện bị hở, ổ cắm lỏng,… sẽ là những nguyên nhân chính xuất hiện cháy nổ điện dân dụng trong dịp Tết.
Một vài người tiêu dùng vẫn còn sử dụng các loại thiết bị điện kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các thiết bị này thường không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, dễ gây chập cháy khi sử dụng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng không sử dụng thiết bị điện đúng cách cũng có thể dẫn đến sự cố chập cháy.
Nhiều trường hợp bận rộn, người nhà quên tắt điện sau khi sử dụng các thiết bị như bàn là, bếp điện, bếp sưởi,… khiến các vụ cháy xảy ra không mong muốn. Ngoài ra, các trường hợp đốt pháo, thả đèn trời, thắp hương, đốt vàng mã vào dịp Tết cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.

Nên làm gì để phòng cháy nổ điện dân dụng trong dịp Tết?
Để đảm bảo an toàn và phòng cháy nổ điện dân dụng trong dịp Tết, người dân nên chủ động thực hiện các điều sau:
Khi lắp đặt mạng, hệ thống điện trong nhà, chủ nhà nên yêu cầu thợ/kiến trúc sư phải tính toán, thiết kế đúng tiêu chuẩn. Tuyệt đối không câu mắc thêm các thiết bị điện có công suất lớn khi chưa được tính toán chi tiết phù hợp.
Phải lắp đặt Aptomat hoặc cầu dao điện tổng cho đường dây điện chính trong nhà và cho từng khu vực nhà ở, từng thiết bị có công suất lớn. Nên đặt thiết bị bảo vệ trước từng ổ cắm điện. Cầu chì phải được lắp đặt đúng theo tiêu chuẩn và phải phù hợp với công suất sử dụng.
Tuyệt đối không sử dụng giấy bạc, dây kim loại khác thay thế dây cầu chì, cầu dao. Chủ nhà nên trang bị máy ổn áp để tránh hiện tượng gây cháy, nổ do quá dòng, quá áp.
Chủ nhà nên tham khảo ý kiến của kỹ thuật viên để lựa chọn loại dây dẫn có tiết diện phù hợp, đủ khả năng tải dòng điện đến các thiết bị, dụng cụ điện trong nhà. Các dây điện nối vào phích cắm, đui đèn, máy móc phải đảm bảo độ bền và gọn gàng.
Khi lắp đặt hệ thống điện, thợ cần chú ý điểm nối vào mạch rẽ ở 2 đầu dây nóng và dây nguội không được trùng lên nhau. Đường dây dẫn điện, cầu chì, cầu dao không để bị rỉ sét.
Không dùng dây dẫn điện có tiết diện nhỏ cho các dụng cụ điện có công suất lớn để tránh gây cháy, nổ.
Không nên cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn vào chung một ổ cắm (ví dụ như tủ lạnh, máy giặt không được sử dụng chung một ổ cắm). Không cắm dây dẫn điện trực tiếp vào ổ cắm và không dùng đinh dây, thép để buộc giữ dây điện.
Không đặt các chất dễ cháy như: gas, xăng dầu, giấy gần các thiết bị có phát sinh nhiệt, điện như đèn, bàn ủi, bếp điện, ổ cắm điện, bảng điện,… Đồng thời, không lắp đặt ổ cắm điện trong nhà vệ sinh, nhà tắm.
Thường xuyên kiểm tra đầu nối của hệ thống điện như: công tắc, ổ cắm, hộp đấu dây, mối nối trên đường dây để đảm bảo an toàn cho gia đình.
Những thiết bị tiêu thụ điện trong nhà quá cũ cần phải được kiểm tra thường xuyên để sửa chữa hoặc thay thế. Khi không còn sử dụng các thiết bị điện như bàn ủi, bếp điện,v.v… hoặc trường hợp đang sử dụng mà bị mất điện thì phải ngắt nguồn điện ngay lập tức. Trước khi ra khỏi nhà phải tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện không cần thiết. Trước khi đi ngủ phải kiểm tra lại các thiết bị tiêu thụ điện.
Tuyệt đối không dùng bếp điện để đun nấu mà không có người lớn trông coi, không để trẻ nhỏ, người bệnh tâm thần,… sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện trong nhà.
Đặc biệt, trong dịp Tết, gia chủ nên kiểm tra kỹ các loại đèn trang trí trước khi sử dụng, đảm bảo không bị hở điện. Khi lắp đèn, tránh treo đèn gần các vật liệu dễ cháy, đường dây điện cũng nên để ở nơi thoáng mát.
Cách xử lý nhanh khi xảy ra sự cố cháy nổ
Khi xảy ra cháy, nổ do sử dụng điện phải nhanh chóng cắt cầu dao điện tổng, báo cho mọi người xung quanh biết, báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC và thực hiện công tác chữa cháy. Không nên dùng nước dập lửa khi chưa cắt điện. Mỗi gia đình nên trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy để thực hiện công tác chữa cháy tại nhà.

Phòng chống cháy nổ điện dân dụng trong Tết là công việc cần thiết để bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội. Mỗi một người trong gia đình nên tuân thủ theo các nguyên tắc an toàn điện để tránh xảy ra những sự cố không mong muốn.
Đánh giá & nhận xét
0 đánh giá
- 50 đánh giá
- 40 đánh giá
- 30 đánh giá
- 20 đánh giá
- 10 đánh giá
Bạn đánh giá sao về dịch vụ này?
Hỏi & Đáp
Liên hệ Facebook: DỊCH VỤ BẢO TRÌ F24